Cách phân biệt đá quý tự nhiên và nhân tạo

Trong thế giới trang sức, có rất nhiều các loại đá khác nhau, có loại đắt, loại rẻ, thậm chí có những loại mang giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Chính vì lý do đó mà khi mua một món đồ nữ trang bằng đá quý, mọi người luôn băn khoăn về giá trị thật giả, hoặc đây là đá tự nhiên hay đá nhân tạo.

Cùng với kim cương, đá quý được xem là đồ trang sức có giá trị cực kỳ lớn trên thị trường hiện nay. Những viên đá quý được dùng làm vật trang trí đồng thời cũng được coi là món quà thể hiện tấm lòng thành kính nhất. Vậy làm sao để có thể chọn lựa được những viên đá quý thật mà đảm bảo 100% về tiêu chuẩn.

Đá tự nhiên
Đá tự nhiên

Để giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về việc phân biệt đá quý thật giả, chuyên gia đá quý Lê Ngọc Hải – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân đá quý vàng ngọc trang sức Hà Nội trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới nhằm giúp người mua hoàn toàn có thể tự phân biệt được những viên đá quý.

Trước hết, giải thích về khái niệm đá quý, ông Hải cho biết đá quý là một loại đá khác với đá thông thường, vì có độ cứng cao, màu sắc rực rỡ và đặc biệt hiếm hơn các loại đá khác. Còn một viên đá quý hiếm sẽ có độ trong, có thể chiết suất ánh sáng dưới ánh quang phổ mặt trời của thiên nhiên và dưới ánh đèn dạ hội. Khi tiếp xúc với ánh quang phổ, ánh mặt trời, viên đá quý sẽ tạo nên ánh sáng chói chang mà hàng nghìn loại đá khác không có.

Nếu quan sát một viên đá thật thì gần như chắc chắn sẽ có vết như rạn, nứt, vân, tạp chất trong lòng đá, có thể quan sát được bằng mắt thường. Ngoại trừ thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian là những loại đá sạch trơn và có giá thành rất rẻ, còn lại các loại đá khác đều có thể nhận biết bằng cách này. Những chiếc vòng tay hay linh vật phong thủy mà trong vắt không một chút gợn, màu sắc rực rỡ xanh đỏ tím vàng thì nhìn chung đều là hàng dởm.

Tuy nhiên, ông Hải cũng kiến nghị tránh kiểm tra đá quý bằng cách đốt lửa hay dùng hóa chất…Hãy nhờ những chuyên gia về đá quý, kết hợp với một số dụng cụ, máy móc khoa học như máy thử độ cứng, máy đo chiết suất ánh sáng…

Cách phân biệt đá quý tự nhiên và nhân tạo

Nói về đá quý tự nhiên, vị chuyên gia này chia sẻ: “Đá quý tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi lực hút của trái đất tạo thành trục quang học. Nếu nói theo thần học thì nó được tạo ra bởi những quyền năng của thượng đế, tạo ra một cách diệu kỳ mà con người không bao giờ làm theo được tuyệt đối. Với khoa học Mỹ, hiện nay, họ vẫn chưa làm giả được đá quý 100%, nếu làm 10 phần thì chỉ đúng được 9 phần, ví dụ như đạt về hình thể thì mất về độ cứng, đạt về độ cứng thì mất về tỷ trọng…Theo đó, không bao giờ giống được tuyệt đối”.

Để biết được loại đá tự nhiên theo ông Hải, hãy quan sát và xem kỹ vì sản phẩm đá quý tự nhiên có đường vân, gãy khúc, tạp chất. Vì là đá tự nhiên nên những lỗi này là hoàn toàn có, nên thử bằng kính lúp hoặc kính hiển vi. Trong khi đó, các sản phẩm nhân tạo thì quá hoàn hảo, thậm chí không có tạp chất nên thành ra đây lại là điểm trừ của sản phẩm này.

Ví dụ như viên agate là quá nhỏ so với thạch anh tím. Do vậy người ta đã tìm ra cách đổ mực lên agate để biến nó thành thạch anh tím. Bằng kỹ thuật mực hiện đại và kỹ thuật của ngành chế tác kim hoàn thì điều đó giờ không quá phức tạp. Vậy làm sao để phân biệt được?

Ông Hải cho biết trước tiên hãy chú ý tới màu sắc, màu đậm từ ngoài vào trong. Nếu viên đá bình thường, màu sắc sẽ hài hòa không quá đậm hoặc nhạt ở một điểm nào đó. Còn nếu các kẽ đá có màu sắc đậm do mực từ thấm vào thì những chỗ này thường đậm màu nhất.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, khi mua một món đồ trang sức nào đó, mọi người nên yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm đều có mã số riêng, khi đó, các trung tâm kiểm định sẽ cho biết thêm về thông số của những viên đá quý như: chủng loại, độ trong, màu sắc… Còn nếu người mua thấy tất cả đều giống nhau thì 90% đó là sản phẩm kiểm định giả.

Cách phân biệt đá quý tự nhiên và nhân tạo

Đối với những người chưa biết về đá quý, chuyên gia Lê Ngọc Hải cho rằng cần chọn những cửa hàng uy tín, lâu đời. Với thái độ chăm sóc nhiệt tình và tư vấn của họ, người mua sẽ yên tâm về chất lượng các sản phẩm. Những cửa hàng như vậy, họ rất chú ý tới chữ tín cũng như vấn đề hậu mãi luôn đặt lên hàng đầu. Tất nhiên là giá sản phẩm sẽ đi kèm với chất lượng và dịch vụ.

Chia sẻ về thị trường đá quý của Việt Nam hiện nay, chuyên gia Lê Ngọc Hải đánh giá rằng, thị trường vẫn ở phạm vi hẹp, do chưa nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách. Theo đó, đã dẫn tới tình trạng nguồn cung khan hiếm và nhập khẩu chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Nếu khai thác trong nước thì người dân và các doanh nghiệp chỉ bán truyền tay một cách tự phát.

“Tuy nhiên, bằng con đường hội chợ thì thương hiệu đá quý của Việt Nam đã tăng hơn trước nhiều. Tôi cũng đã giới thiệu cho nhiều chuyên gia trên thế giới về thương hiệu đá quý Việt Nam và họ đánh giá cao về chất lượng đá quý của Việt Nam. Nhưng họ cho rằng nguồn cung của ta rất ít, chính sách lại chưa cởi mở nên chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia Lê Ngọc Hải cho hay.

Tuyết Nhung (Một Thế Giới)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *