Bạc 925 là gì? bạc nguyên chất có phải là sự lựa chọn tốt nhất?
Bạc 925 là một hợp kim của bạc, chứa 92.5% trọng lượng là bạc và 7.5% trọng lượng là kim loại khác – thường là đồng.
Bạc nguyên chất (tinh khiết 99.9%) quá mềm để làm những đồ vật lớn, do đó, bạc thường được kết hợp với đồng để tăng độ cứng, đồng thời dễ chế tác hơn và làm tăng vẻ đẹp của bạc. Những kim loại khác có thể thay thế đồng, thường dùng để tăng những tính chất khác của hợp kim bạc, ví dụ như giảm những lỗ tổ ong( hay xuất hiện trên bạc nguyên chất) , giảm sự biến màu của hợp kim bạc – đồng, giữ cho hợp kim sáng bóng lâu hơn.
Một số nguyên tố có thể thay cho đồng như germanium, kẽm, bạch kim (pt), thêm vào đó một chút silic, hoặc bo. Nhiều hợp kim chứa bạc đã xuất hiện trong những năm gần đây được pha trộn để có thể giảm sự đổi màu, giảm độ xỉn. Các nhà sản xuất bạc nhanh chóng đưa ra những loại hợp kim bạc mới với chất lượng ngày càng tăng, và công thức pha chế bạc của họ được coi là bí quyết. Dù sao cũng chưa có kim loại nào vượt hẳn lên để thay thế đồng trong hợp kim bạc-đồng, vốn được coi là chuẩn công nghiệp bạc.
Những bộ đồ ăn, đồ dùng gia đình bằng bạc đã rất được ưa chuộng trong khoảng thời gian 1840 – 1940.
Trước đây người ta còn dùng hợp kim bạc để làm đồ phẫu thuật, làm nhạc cụ, giờ đây khoa học kĩ thuật tiến triển hơn rất nhiều, hợp kim bạc có nhiều ứng dụng hơn trong những ngành khoa học tiên tiến.
Sự ăn mòn bạc và hợp kim bạc:
Bạc nguyên chất rất khó bị oxy hóa ở điều kiện bình thường, trong khi đó, bạc hợp kim sẽ dễ bị oxy hóa hơn, nhất là hợp kim bạc đồng, và bạc 925 cũng không phải là ngoại lệ.
Bạc bị đen là do sự kết hợp của bạc với lưu huỳnh, tạo thành muối bạc – lưu huỳnh kết tủa đen không tan bám trên bề mặt bạc. Nguyên nhân thì rất nhiều, do phản ứng của bạc với các chất có chứa lưu huỳnh. Các chất chứa lưu huỳnh có thể có trong không khí, trong suối nước nóng, và quan trọng hơn cả là trong tuyến mồ hôi của con người…
Vì vậy bạc để lâu không đeo, vẫn có thể bị đen như bình thường nếu nơi bạn để bạc có chứa trong không khí hợp chất của lưu huỳnh (chắc chắn là có, chỉ có điều nhiều hay ít mà thôi). Với những người tuyến mồ hôi có chứa nhiều lưu huỳnh, bạc sẽ mau bị đen, và thực tế thì những người này không nên đeo bạc, vì bạc nguyên chất hay bạc hợp kim (925 chẳng hạn) đều nhanh chóng bị đen, xỉn màu. Có những người tuyến mồ hôi ít hoặc không chứa lưu huỳnh thì có thể đeo bạc.
Thậm chí 1 số người tuyến mồ hôi có khả năng khử muối bạc-lưu huỳnh, nên khi đeo bạc, thì bạc lúc nào cũng sáng bóng. Bạn nên tháo trang sức mỗi khi tiếp xúc với các dung dịch, để có thể bảo quản trang sức bạc tốt hơn. Sau khi tắm suối nước nóng,có thể thấy bạc bị đen, bởi vì trong nước nóng có hidrosunfua, nhanh chóng tạo thành muối bạc-lưu huỳnh và làm bạc bị đen.
Kết luận lại là bạc gì cũng đều có thể bị đen khi gặp môi trường tạo muối bạc-lưu huỳnh.