Site icon Shop Bạc MoonSilver

Nghệ thuật trang sức đương đại

Tác động của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp lần thứ nhất tại Châu Âu đã phát sinh các ý tưởng mới. Một trong các ý tưởng có ảnh hưởng đến nghệ thuật nói chung và kim hoàn nói riêng là quan điểm cho rằng máy móc và phân chia lao động là các trở ngại đối với quan hệ chân thực giữa công nhân và tay nghề của họ. Với sự pha trộn giữa các ý tưởng xã hội mới và tính lãng mạn của Chủ Nghĩa Trung Cổ truyền thống, đã xuất hiện quan niệm về nghệ thuật trong đời sống hàng ngày. Các quan niệm này có ảnh hưởng rõ rệt đối với sự phát triển trong thiết kế kim hoàn, nghệ thuật ứng dụng, và mỹ thuật công nghiệp, suốt thế kỷ 20.

Vào cuối thế kỷ 19, các ý tưởng mới đã kết tinh thành phong cách quốc tế mới, tác động sâu sắc đến xã hội và làm thay đổi cơ bản thế giới nghệ thuật, từ kiến trúc đến thiết kế kim hoàn, và đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật ứng dụng. Tân nghệ thuật, chủ nghĩa tân cổ điển, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa tự do,… là các hướng phát triển nghệ thuật trên toàn Châu Âu.

Trâm cài đầu, tác phẩm của nghệ sỹ Philippe Wolfer (1905-1907) © Viện bảo tàng Victoria & Albert, London

 

Tính nghiêm khắc hàn lâm đưa đến các thiết kế nghệ thuật trong đó có kim hoàn, đầy màu sắc, các dạng tuyến tính và hình sine, trong đó các  motif hoa, thảo mộc, côn trùng, chim,… chiếm ưu thế, với khuôn mặt phái nữ ở trung tâm. Trong thời kỳ này, tính sáng tạo và tính tưởng tượng được đánh giá cao hơn so với vật liệu chế tác kim hoàn, cho phép người nghệ sỹ có tính tự do sáng tạo lớn hơn, một số sản phẩm được coi là kiệt tác.

Sự phát triển tiếp theo đã đưa đến các ảnh hưởng trên toàn Châu Âu, mang đậm xu hướng hiện thực; nhấn mạnh tính duy lý, tính chức năng và tính rõ ràng; các thiết kế nghệ thuật và kim hoàn chủ yếu gồm các motif trừu tượng và các đường nét hình học đơn giản. Kim hoàn và nữ trang không còn là độc quyền của giới quý tộc, nhiều nghệ sỹ bắt đầu hướng đến phục vụ công chúng. Xã hội loài người chứng kiến hai hướng phát triển kim hoàn cơ bản. Hướng thứ nhất là sáng tạo nghệ thuật, với các tác phẩm độc bản, mang tính nghệ thuật cao. Hướng thứ hai là các thiết kế sản phẩm, có thể sản xuất hàng loạt, phục vụ cho đa số.

Vào đầu thế kỷ 20, nghệ thuật trang trí với phong cách Art Deco được coi là xu hướng nghệ thuật công nghiệp mang tầm quốc tế. Cùng với nghệ thuật kim hoàn truyền thống chế tác thủ công, ngành kim hoàn sản xuất hàng loạt bắt đầu xuất hiện. Trong lĩnh vực này, ngoài các vật liệu truyền thống như vàng, bạc, đá quý, ngọc trai,… còn sử dụng các vật liệu tổng hợp và các kim loại công nghiệp, chẳng hạn Ni, Cr, Al,…

Một tác phẩm mang phong cách Art Deco: Commemorative Brooch, 1937, Anh Quốc. © Bảo tàng Victoria & Albert, London

Khoảng giữa thế kỷ 20, các trường chuyên về kim hoàn xuất hiện, đào tạo thế hệ các nhà kim hoàn mới thay cho cách truyền nghề thủ công kiểu truyền thống. Các trường này không chỉ dạy kỹ thuật kim hoàn mà còn cung cấp các kiến thức cơ bản về vật liệu, nghệ thuật với bầu không khí cởi mở mang tính sáng tạo nghệ thuật cao. Xu hướng chung là tích hợp thiết kế kim hoàn với các dòng nghệ thuật hiện đại, khôi phục các kỹ thuật truyền thống, và ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật mới. Sự sáng tạo kim hoàn chia thành hai dòng rõ rệt. Thứ nhất là các sản phẩm phục vụ thế giới thời trang và phục vụ thiết kế công nghiệp, các sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Thứ hai là các sản phẩm nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ, có giá trị cao bất kể chất liệu, chủ yếu phục vụ tinh thần thay cho tính thương mại.

Với nghệ thuật kim hoàn, vật liệu bình thường khi trở thành sản phẩm sẽ có giá trị cao, tôn vinh giá trị của con người. Sản phẩm kim hoàn không chỉ mang tính sáng tạo mà còn mang tính văn hóa đặc trưng. Ngày này kim hoàn trở thành nghệ thuật và là ngành sản xuất không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Theo Kỹ thuật gia công kim hoàn.

Exit mobile version